Ngày nay, người dân ở phần lớn các quốc gia trên thế giới đều dùng thiết bị điện tử rất nhiều. Thế nên mới phát sinh hội chứng “nghiện” điện thoại và/ hoặc mạng xã hội .
Mới đây, trang web công nghệ Electronics Hub đã thực hiện nghiên cứu về mức độ dùng điện thoại, máy tính, mạng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ báo cáo tổng quan toàn cầu của trang chuyên dữ liệu Datareportal ở Singapore.
Trong nghiên cứu bao gồm cả danh sách những nước xem TikTok nhiều nhất. Theo đó, đứng đầu danh sách ở châu Á là Việt Nam, với trung bình 128 video TikTok được xem mỗi ngày. Đứng ngay sau nước ta là Philippines, với 127 video TikTok được xem mỗi ngày. Sau đó là Israel (123), Malaysia (121), Indonesia (120). Còn trong danh sách toàn cầu về mức độ xem TikTok thì nước ta đứng thứ 7.
Theo Statista – nền tảng của Đức chuyên thống kê và báo cáo dữ liệu toàn cầu – thì trung bình, mỗi video TikTok dài 34 giây. Như vậy, xem trung bình 128 video TikTok tức là tốn 1 tiếng 12 phút mỗi ngày cho TikTok, bằng 7% thời gian thức của một người bình thường (mặc định một người thức 17 tiếng/ngày vì dành 7 tiếng để ngủ).
Về tỷ lệ phần trăm thời gian thức mà chúng ta dành cho các thiết bị điện tử ( screen time – thời gian sử dụng màn hình), thống kê trên cho biết, người dân Việt Nam dành trung bình 36,73% thời gian thức mỗi ngày để nhìn vào các màn hình, tức là khoảng 6 tiếng 15 phút mỗi ngày, gần bằng thời gian dành cho việc ngủ.
Trong đó, tỷ lệ phần trăm thời gian thức mà chúng ta dùng mạng xã hội là 14,09%, tức là trung bình khoảng 2 tiếng 24 phút mỗi ngày.
Trừ những người buộc phải dùng các thiết bị điện tử để học tập, làm việc, các chuyên gia đều khuyên chúng ta nên giới hạn thời gian dùng các thiết bị đó và mạng xã hội mỗi ngày. Tốt nhất là khi dùng, nên đặt thời gian để dừng đúng lúc.